Phần mềm độc hại (malware)

Phần mềm độc hại là một loại phần mềm hệ thống do các tin tặc tạo ra nhằm mục đích khai thác lỗ hổng trên máy tính, truy cập trái phép và đánh cắp các thông tin cá nhân. Virus máy tính, worms, trojan, spyware và adware là những phần mềm độc hại phổ biến hiện nay. Trong đó:

–         Virus máy tính: Là các mã độc hại hoặc các chương trình thường được cài đặt trên máy tính mà không biết và ngược lại mong muốn của người sử dụng. Mức độ nghiêm trọng của một virus có thể khác nhau. Một số virus chỉ dường như là phiền hà cho người sử dụng, một số virus gây ra tập tin bị hỏng hoặc bị xóa và một số virus có khả năng tắt máy tính và xóa toàn bộ ổ cứng. Virus lây nhiễm vào hệ thống và sau đó tự gắn nó vào một chương trình hay tập tin để lây lan cho các người dùng khác.

–         Sâu máy tính (worms): Là một chương trình máy tính có khả năng tự nhân bản giống như virus máy tính. Trong khi virus máy tính xâm nhập vào và trở thành một phần của mã máy tính để có thể thi hành thì sâu máy tính là một chương trình độc lập không nhất thiết phải là một phần của một chương trình máy tính. Sâu máy tính thường được thiết kế để khai thác khả năng truyền thông tin có trên những máy tính có các đặc điểm chung, có cùng hệ điều hành hoặc cùng chạy một phần mềm mạng và được nối mạng với nhau.

–         Trojan: Là một loại phần mềm độc hại thường được ngụy trang như là phần mềm hợp pháp. Trojan có thể được sử dụng bởi các tin tặc nhằm cố gắng chiếm được quyền truy cập vào hệ thống của người dùng. Sau khi kích hoạt, trojan có thể cho phép việc giám sát, ăn cắp dữ liệu của người sử dụng gồm: xóa dữ liệu, chặn dữ liệu, sửa đổi dữ liệu, sao chép dữ liệu, gây rối hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính. Không giống như virus và sâu máy tính, trojan không thể tự sao chép.

–         Phần mềm gián điệp (spyware): Là loại phần mềm chuyên thu thập các thông tin từ các máy chủ (thông thường vì mục đích thương mại) qua mạng Internet mà không có sự nhận biết và cho phép của chủ máy. Một khi đã cài đặt, spyware điều phối các hoạt động của máy chủ trên Internet và lặng lẽ chuyển các dữ liệu thông tin đến một máy khác (thường là của những hãng chuyên bán quảng cáo hoặc của các tin tặc). Phần mềm gián điệp cũng thu thập tin tức về địa chỉ thư điện tử, mật khẩu cũng như là số thẻ tín dụng.

–         Adware: Là phần mềm gián điệp theo dõi trình duyệt Internet của người dùng và có thể cài đặt cookies độc hại trên máy tính của họ. Một cookie là một tập tin văn bản nhỏ có chứa thông tin có thể nhận dạng một cá nhân đã từng đến một trang Web.

Một số phương pháp hữu hiệu người dùng nên áp dụng để giảm thiểu rủi ro từ virus, phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại khi tiếp xúc trong môi trường không được bảo vệ đó là:

–         Cài đặt một phần mềm chống virus Bản quyền, chất lượng, hiệu quả như: Bkav Pro, CMC Antivirus, Kaspersky, Symantec, Avast, AVG, BitDefender có bản quyền để được hỗ trợ diệt virus chuyên nghiệp hơn, nhất là các cơ quan, tập đoàn lớn, yêu cầu khả năng bảo mật cao. Thực hiện quét virus hằng ngày, hằng tuần hoặc theo định kỳ.

–         Cài đặt một trình duyệt web an toàn như: Mozilla Firefox, Google Chrome, Opera v.v. Các phần mềm này sẽ luôn luôn thông báo về bất kỳ tập tin nào được tải về hoặc cài đặt, về các trang web nghi ngờ có chứa virus và cập nhật mới trình duyệt tự động liên tục nhằm cải thiện an ninh khi truy cập Internet.

Ngoài ra cũng không nên ngay lập tức bấm vào liên kết email hoặc tập tin đính kèm.